Các vấn đề này đeo bám khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi sau đại dịch. Theo Robin Brooks, nhà kinh tế trưởng của Viện Tài chính Quốc tế, sự kết hợp của những cú sốc này cho thấy nền kinh tế thế giới đang gặp khó khăn. Ông nói: "Chúng ta đang ở trong một mối lo suy thoái toàn cầu khác, chúng tôi nghĩ lần này là thật".
Công nhân thành phố khử trùng một khu vực xét nghiệm Covid ở Bắc Kinh
Thị trường tài chính dần trở nên hoảng loạn. Chỉ số chứng khoán thế giới MSCI đã giảm hơn 1,5% trong tuần qua, hơn 5% trong tháng 5 và hơn 18% kể từ mức đỉnh vào đầu tháng 1. Dhaval Joshi, chiến lược gia trưởng tại BCA Research, lưu ý rằng trước thời điểm kinh hoàng đối với cổ phiếu, đã có sự bán tháo trái phiếu, trái phiếu chính phủ chống lạm phát, kim loại công nghiệp, vàng và tiền điện tử.
"Lần cuối cùng việc ‘bán tháo mọi thứ’ xảy ra là vào đầu năm 1981, khi Fed của Paul Volcker đã dùng lãi suất với liều lượng mạnh để cắt cơn lạm phát 2 con số và biến lạm phát đình trệ thành một cuộc suy thoái hoàn toàn", ông Joshi nói.
Xác định một cuộc suy thoái toàn cầu không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Đối với từng quốc gia, một số nhà kinh tế định nghĩa "suy thoái kỹ thuật" là sự suy giảm tổng sản phẩm quốc nội trong hai quý liên tiếp. Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ lại thích một định nghĩa linh hoạt hơn, suy thoái là "sự giảm đáng kể hoạt động kinh tế nói chung xảy ra trong toàn bộ nền kinh tế tại một khoảng thời gian nhất định".
Sản lượng và mức chi tiêu của Trung Quốc giảm
Ở quy mô toàn cầu, rất khó để đưa ra được các định nghĩa thống nhất. IMF và Ngân hàng Thế giới thích mô tả một cuộc suy thoái toàn cầu là một năm mà thu nhập thực tế trung bình của công dân toàn cầu bị giảm. Họ nêu bật các năm 1975, 1982, 1991, 2009 và 2020 là năm cuộc suy thoái toàn cầu đã diễn ra.
Dự đoán tăng trưởng toàn cầu chính thức cho năm 2022 vẫn còn xa so với định nghĩa này, vào tháng 4, IMF dự kiến mức tăng trưởng năm nay là 3,6%. Khi xem xét mức tăng trưởng dự kiến trong năm 2022, quỹ đã giảm dự báo lạm phát từ 4,5% hồi tháng 10 năm ngoái xuống 2,5% vào tháng 4.
Ông Brooks cho rằng con số lạm phát này đã đủ để hạ dự báo tăng trưởng năm 2022 xuống 0,5%, ít hơn mức tăng dân số dự kiến. Ông nói: "Việc gắn kết rủi ro suy thoái toàn cầu là điều cần chú ý hàng đầu đối với các thị trường, điều này gây ảnh hưởng quan trọng đến tâm lý nhà đầu tư".
Hầu hết các nhà kinh tế đều lo ngại về triển vọng của nền kinh tế lớn Trung Quốc. Chiếm 19% tổng sản lượng của thế giới, Trung Quốc hiện lớn đến mức khi đóng cửa vì Covid-19, các nước khác trên thế giới cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, chủ yếu là do tác động của nước này đối với chuỗi cung ứng toàn cầu và nhu cầu hàng hóa và dịch vụ từ các quốc gia khác.
Các hộ gia đình ở nhiều nền kinh tế tiên tiến phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt
Với các chốt kiểm dịch trên khắp đất nước, những con tàu xếp hàng dài bên ngoài các cảng của Trung Quốc. Doanh số bán lẻ trong tháng 4 giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái, sản xuất công nghiệp giảm 3%. Giá trị tiêu thụ trong nước vào tháng trước cũng giảm nhiều hơn so với đầu năm 2020, dù Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã nới lỏng chính sách tiền tệ để khuyến khích vay và chi tiêu. Tỷ lệ thất nghiệp đang gia tăng.
Kevin Xie, nhà kinh tế cấp cao về châu Á tại Commonwealth Bank of Australia, cho biết dữ liệu kinh tế của Trung Quốc trong tháng 4 liên tục gây thất vọng. Triển vọng tăng trưởng phụ thuộc chủ yếu vào tình hình dịch bệnh. Ông nói thêm: "Số lượng việc làm giảm, cùng với niềm tin giữa các doanh nghiệp và hộ gia đình suy yếu sẽ hạn chế chi tiêu, ảnh hưởng không tốt cho triển vọng tăng trưởng".
Nền kinh tế Mỹ cũng đang phải gánh chịu di chứng của đại dịch. Đặc biệt, kích thích tài khóa quá mức đã khiến nền kinh tế nóng lên và tạo ra lạm phát cao ngay cả khi giá năng lượng tăng vừa phải. Khi thị trường lao động bị thắt chặt, Fed đã buộc phải nhận lỗi và quyết định chuyển sang giai đoạn thắt chặt chính sách tiền tệ để làm chậm tăng trưởng và hạ mức lạm phát.
Chủ tịch Fed Jay Powell trong tuần này đã nói rõ rằng ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho đến khi có bằng chứng "rõ ràng và thuyết phục" cho thấy lạm phát đang quay trở lại mục tiêu 2%. Ông không quan tâm đến việc tỷ lệ thất nghiệp tăng lên "một chút" so với mức thấp hiện tại là 3,6%.
Ông Powell nói thêm rằng ông đang nhắm đến mục tiêu "hạ cánh mềm" cho nền kinh tế, nhưng nhiều người trên thị trường tài chính cho rằng điều đó có thể khó đạt được. Krishna Guha, phó chủ tịch Evercore ISI, cảnh báo rằng những dự đoán từ các quan chức, nhà kinh tế và những người tham gia thị trường sẽ trở thành một lời tiên tri và tạo ra suy thoái.